Với một chút kế hoạch và sự chuẩn bị, quý vị có thể ngăn chặn tình trạng lãng phí thực phẩm trước khi điều này xảy ra. Hãy nhớ: có kế hoạch mua sắm, sắp xếp bảo quản và vứt bỏ thực phẩm.
Biết rõ mình cần mua gì
Trước khi đến tiệm tạp hóa, quý vị nên biết rõ mình cần gì, lên kế hoạch cho bữa ăn và lên danh sách để tránh mua quá nhiều.
- Thực phẩm hiện có: Quý vị đã kiểm tra tủ thực phẩm, tủ lạnh và tủ đông trước khi lên danh sách mua sắm hay chưa? Có thể quý vị đã có sẵn các loại thực phẩm cần thiết hoặc có thể thay đổi nguyên liệu dùng cho công thức nấu ăn để sử dụng hết những thực phẩm hiện có.
- Thực phẩm cần dùng: Quý vị có kế hoạch để sử dụng tất cả thực phẩm trong danh sách mua sắm hay chưa? Kiểm tra kỹ công thức nấu ăn để xem số lượng khẩu phần cần nấu và khi đến cửa hàng, hãy kiểm tra khẩu phần tiêu chuẩn trên bao bì thực phẩm.
- Thực phẩm cần mua: Quý vị đã lên danh sách mua sắm hay chưa? Nếu lên danh sách thì khi đến cửa hàng, quý vị có thể tránh được tình trạng mua quá nhiều hoặc mua không đúng loại thực phẩm. Tải xuống bảng kế hoạch chuẩn bị thực phẩm cho bữa ăn và danh sách mua sắm in được.
Mẹo nhanh! Một gia đình ở Philly chi tới 1.300 USD mỗi năm cho thực phẩm thừa. Quý vị có thể sử dụng hết thực phẩm có sẵn trong tủ lạnh và tủ đồ nhà mình mà vẫn được thưởng thức những công thức nấu ăn mới hấp dẫn bằng cách chuyển sang dùng các nguyên liệu tương tự (quý vị có biết rằng nước sốt táo có thể thay thế dầu ăn trong hầu hết các công thức làm bánh không?)
Biết rõ cách sắp xếp bảo quản thực phẩm
Đảm bảo rằng quý vị biết cách bảo quản thực phẩm tươi lâu hơn bằng cách trữ đông, chia thực phẩm thành khẩu phần và sắp xếp thực phẩm.
- Sắp xếp bảo quản: Cách quý vị bảo quản thực phẩm có thể giữ cho thực phẩm tươi lâu hơn hoặc ngược lại. Ngay cả những loại rau xanh và thảo mộc dễ hỏng nhất cũng có thể để được lâu hơn bằng cách bọc những loại thực phẩm này trong vải ẩm và bảo quản trong hộp đựng rau củ quả của tủ lạnh. Tải xuống mẹo cứu cánh giúp bảo quản thực phẩm tươi lâu hơn.
- Trữ đông: Nếu quý vị không chắc mình có thể sử dụng hết một loại thực phẩm trước khi hết hạn hay không, hãy đem trữ đông! Việc trữ đông giúp làm chậm quá trình phân hủy thực phẩm và trữ đông các thực phẩm như bánh mì, thịt và nông sản để giữ cho thực phẩm tươi ngon trong nhiều tháng. Chỉ cần đừng quên sử dụng hết thực phẩm! Tải xuống mẹo cứu cánh giúp trữ đông thực phẩm và chế biến sau.
- Chia thực phẩm thành khẩu phần: Chia thực phẩm thành khẩu phần và cho vào hộp hoặc túi nhỏ hơn trước khi đem bảo quản để dễ chế biến hơn và giúp theo dõi số lượng bữa ăn mà quý vị có thể chuẩn bị.
- Sắp xếp thực phẩm: Xem căn bếp của quý vị như một nhà hàng và áp dụng quy tắc mua trước, chế biến trước. Trước tiên, hãy sử dụng hết thực phẩm của tuần trước và xếp những thực phẩm cũ hơn lên trước trong tủ thực phẩm để chắc chắn quý vị sẽ sử dụng những thực phẩm này.
Mẹo nhanh! Quý vị có “bỏ quên” món thực phẩm nào đó sau tủ đồ hoặc sâu trong tủ đông hay không? Lên danh sách và để trong bếp – ở vị trí dễ nhớ, chẳng hạn như dán lên cánh tủ lạnh – những thực phẩm quý vị cần dùng hết hoặc cho hàng xóm trước khi hết hạn sử dụng. Đừng bao giờ bỏ quên ổ bánh mì trong tủ đông hàng tháng trời nữa!
Cân nhắc trước khi vứt bỏ thực phẩm
Sẽ thật hữu ích nếu quý vị biết phương cách và công thức nấu ăn để sử dụng thức ăn thừa, đồ ăn trong tủ thực phẩm, trái cây và rau củ đã hết độ tươi ngon.
- Tái sử dụng: Ngay cả rau héo và bánh mì cũ cũng có thể được sử dụng để chế biến thành các món ăn. Dưới đây là một số cách chúng tôi rất yêu thích giúp hồi sinh và tái sử dụng thực phẩm đã hết độ tươi ngon.
- Ngâm rau héo, cà rốt ủng và các loại rau củ bị dập nát khác trong nước đá lạnh khoảng 5 – 10 phút để rau củ trông tươi hơn
- Bỏ rau héo vào món hầm, súp và sinh tố
- Muối dưa chua từ dưa chuột, cà rốt, hành tây, củ cải và nhiều loại rau củ khác mà quý vị không ăn hết.
- Cắt các phần dập nát hoặc trông không ngon khác của trái cây, rau củ tươi và ăn phần còn lại! Hoặc, bỏ trái cây đã cắt – phần bị dập và tất cả – vào sinh tố và nước ép trái cây (nhớ cắt bỏ những miếng hỏng hoặc thối)
- Sấy khô bánh mì, sau đó nghiền vụn và nêm gia vị để làm thành vụn bánh mì tự chế
- Cho rau củ vụn, lớp vỏ cứng của phô mai và xương vào túi và bảo quản trong tủ đông, sau đó đun những nguyên liệu này để làm thành nước dùng tự chế
- Nấu lại: Tủ lạnh nhà quý vị thường chật cứng đồ ăn thừa vào mỗi dịp cuối tuần? Hãy tạm gác việc nấu nướng và lên kế hoạch cho một bữa tối thịnh soạn. Để các thành viên trong gia đình chọn món ăn yêu thích từ tủ lạnh.
- Làm mới: Biến đồ ăn thừa trở nên tươi ngon hơn bằng cách thêm rau củ tươi ăn kèm, hầm thịt nướng trong nước sốt cay hoặc nướng mì ống và thịt hầm rồi phủ phô mai tươi lên trên cùng.
Mẹo nhanh! Nhiều loại thực phẩm còn có công dụng khác ngoài việc dùng để chế biến thành món ăn. Sử dụng chanh đã cắt nhỏ để làm thành chất tẩy rửa gia dụng tự chế, thảo mộc và gia vị khô để đuổi côn trùng và bã cà phê để bón cây cảnh trong nhà hoặc bón vườn.
Cách quản lý thực phẩm thừa tại gia đình
Không phải lúc nào quý vị cũng có thể ngăn ngừa việc tạo ra thực phẩm thừa. Khi có thể, đây là những biện pháp quý vị có thể thực hiện để giảm lượng thực phẩm thừa và trở thành rác thải.
Các biện pháp chính để quản lý thực phẩm thừa ở Philadelphia là:
- Quyên tặng. Cư dân và các hộ gia đình có thể quyên tặng các loại thực phẩm đóng gói, có thể bảo quản bên ngoài.
- Ủ thành phân hữu cơ. Cư dân và các hộ gia đình có thể ủ phân hữu cơ tại nhà, tại Mạng Lưới Ủ Phân Hữu Cơ Cộng Đồng hoặc địa điểm đổ thực phẩm thừa khác trong khu vực lân cận, hoặc đăng ký riêng với đơn vị thu gom thực phẩm thừa.
- Sử dụng thiết bị nghiền rác trong bồn rửa. Cư dân và các hộ gia đình được khuyến khích sử dụng thiết bị xử lý rác để quản lý thực phẩm thừa nghiền nhỏ được. Tìm hiểu cách thực hiện dưới đây.
Tìm hiểu địa điểm quý vị có thể đến quyên tặng và ủ thực phẩm thành phân hữu cơ ở Philadelphia.
Mẹo xử lý rác
Nếu nhà quý vị có thiết bị nghiền rác trong bồn rửa, hãy sử dụng thiết bị này để nghiền thực phẩm hỏng và đồ ăn thừa thay vì vứt vào thùng rác. Tất cả thực phẩm đổ xuống cống thoát nước đều được xử lý tại cơ sở xử lý của Sở Tài Nguyên Nước Philadelphia và biến thành năng lượng cũng như phân hữu cơ.
Mẹo nhanh: Đừng bao giờ đổ các vật cứng (như các loại hạt củ quả) hoặc dầu mỡ xuống cống thoát nước.
Tìm hiểu những điều nên và không nên làm khi sử dụng thiết bị nghiền rác trong bồn rửa.